Danh mục thi công
Tin Tức nỗi bật
Tốc độ tăng trưởng hệ thống điện Việt Nam vào loại ‘cao nhất thế giới’
Theo Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), hệ thống điện Việt Nam là một trong những hệ thống điện có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới. Tuy nhiên, World Bank cho rằng: Mức tiêu thụ điện theo đầu người vẫn thấp hơn mức trung bình thế giới.
Đánh giá về hiện trạng phụ tải điện Việt Nam, Viện Năng lượng (Cơ quan tư vấn lập Quy hoạch điện VIII) cho biết: Sản lượng điện thương phẩm toàn quốc năm 2020 đạt 216,83 tỷ kWh, tăng 2,53 lần so với năm 2010 (85,6 tỷ kWh), tương ứng tăng trưởng điện thương phẩm bình quân cả giai đoạn 2011 - 2020 là 9,7%/năm (giai đoạn 2011 - 2015 tăng 10,87%/năm và giai đoạn 2016 - 2020 tăng 8,62%/năm). Riêng năm 2020, tăng trưởng điện thương phẩm chỉ đạt 3,4%, thấp nhất trong thập kỷ vừa qua, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Tốc độ tăng trưởng công suất cực đại (Pmax) toàn hệ thống và các miền tương đồng với tăng trưởng điện thương phẩm. Năm 2020, công suất cực đại (Pmax) toàn hệ thống đạt 38.617 MW, chỉ tăng gần 400 MW so với năm 2019. Trong cả giai đoạn 2010 - 2020, tăng trưởng Pmax là 9,6%/năm.
Qua diễn biến tăng Pmax các miền, Viện Năng lượng cho rằng: Pmax miền Bắc đã bắt đầu vượt Pmax miền Nam từ năm 2015, mặc dù sản lượng tiêu thụ điện của miền Nam vẫn cao hơn miền Bắc 3%. Pmax năm 2020 của miền Bắc đạt 19.243 MW cao hơn Pmax miền Nam khoảng 2.587 MW. Còn miền Trung có nhu cầu điện khá thấp, Pmax 2020 đạt 3.802 MW (chiếm khoảng 9,2% Pmax toàn quốc), trong khi lại là trung tâm thủy điện của cả nước. Do vậy, vào mùa mưa phần lớn sản lượng điện phát ra của miền Trung phải truyền tải đi nơi khác.
Còn về sản lượng điện thương phẩm bình quân đầu người, năm 2020 là 2.223 kWh/người, tăng khoảng 2,26 lần so với năm 2010 (982 kWh/người). Tuy nhiên, mức tiêu thụ điện theo đầu người nói trên vẫn thấp hơn mức trung bình thế giới (3.131 kWh/người năm 2019 - theo World Bank).
Với hệ số đàn hồi tăng trưởng điện/tăng trưởng GDP của Việt Nam có xu hướng giảm. Cụ thể, nếu như trong giai đoạn 2001 - 2010, hệ số đàn hồi là 2,17 lần thì trong giai đoạn 2011 - 2015 là 1,84 lần, giai đoạn 2016 - 2020 là 1,44 lần. Tuy nhiên, hệ số đàn hồi của Việt Nam nhìn chung vẫn cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Có thể thấy, là một quốc gia đang hướng đến công nghiệp hóa, hệ số đàn hồi điện của Việt Nam khá cao so với thế giới. Tương tự, cường độ điện trên GDP của Việt Nam cũng còn cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Cụ thể, năm 2020, cường độ điện Việt Nam khoảng 1049 kWh/1.000 USD (giá so sánh 2010), trong khi chỉ số này của Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan năm 2017 lần lượt là 632 kWh/1.000 USD, 415 kWh/1.000 USD và 475 kWh/1.000 USD.
Do đó, Cơ quan tư vấn lập Quy hoạch điện VIII cho rằng: Hệ số đàn hồi và cường độ điện/GDP của Việt Nam vẫn ở mức cao, đặt ra yêu cầu bức thiết về cải thiện hiệu quả sử dụng và tiết kiệm điện của nền kinh tế - xã hội./.
Nguồn: NLVN
Các bài viết khác
- Ngành điện đầu tư lớn vào TP Thủ Đức (24.05.2021)
- Huy động nguồn phát từ năng lượng tái tạo tăng (14.05.2021)
- Tháng 6 trình lại Quy hoạch điện VIII (06.05.2021)
- 9 vấn đề thường gặp ảnh hưởng đến các tấm panel PV và các giải pháp xử lý: (05.05.2021)
- Chuyển giờ phát thuỷ điện nhỏ để cứu điện mặt trời (28.04.2021)